Thứ Bảy, 2 tháng 2, 2013

Đả lôi đài Sài Gòn – Chợ Lớn (Phần 2)


Năm 1930, tại làng Phước Vân, huyện Cần Đước (tỉnh Chợ Lớn cũ, nay là tỉnh Long An) có cậu bé Đặng Văn Anh 9 tuổi, một tối theo chú đi coi hát bộ ở đình làng. Trong lúc chen lấn để xem đào kép, người chú xích mích với đám trai làng, đụng độ xảy ra.

Hình ảnh tả xung hữu đột hạ gục đám thanh niên hơn chục tên của ông chú đã gieo vào tâm trí trẻ thơ của cậu bé niềm đam mê võ thuật. Năm 12 tuổi (1933) , cậu được cha – một võ sư – bắt thắp nhang, bái tổ nhập môn để rồi 22 năm sau (1955), cậu sáng lập Kim Kê môn lừng lẫy võ lâm Sài Gòn – Chợ Lớn với biệt danh Phi Vân Nhạn.

Phi Vân Nhạn – Đặng Văn Anh

Chưởng môn phái Đặng Văn Anh sinh năm 1921, thuộc dòng dõi võ thuật từ đời cụ cố Đặng Văn Thơ đến ông nội Đặng Văn Chương và cha là Đặng Văn Tưởng. Từ nhỏ, Đặng Văn Anh đã mê quyền cước, ngoài học võ với ông nội và cha, ông còn thọ giáo với các võ sư nổi tiếng do cha mời về dạy. Vì thế ở quê, Đặng Văn Anh sớm thành danh với biệt danh Hai Thép, huấn luyện đội du kích huyện Cần Đước.

[IMG]

Võ sư Kê Hoàng Hổ (bìa phải) trong trận thắng Lý Huệ Đường tại hội chợ kỹ nông công thương năm 1971
Sau đó, ông lên Sài Gòn thọ giáo bậc cao thủ là võ sư Bùi Văn Hóa (Chín Hóa) – chưởng môn phái Tây Sơn Nhạn tại trường học Chợ Quán (nay là trường Kim Đồng). Do sáng dạ và có căn cơ võ thuật, chẳng bao lâu Đặng Văn Anh đã tinh thông quyền cước và thập bát ban binh khí.

Năm 1955, ông sáng lập Kim Kê môn (võ đường số 25E, Khổng Tử, quận 5) đến năm 1994 chính thức trở thành Thiếu Lâm nội quyền Kim Kê – Tây Sơn nhạn cho đến nay. Môn sinh Kim Kê lừng lẫy giới võ lâm qua các trận đấu đài khắp Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định đến các tỉnh miền Trung, nổi bật là chưởng môn Kim Kê Đặng Văn Anh tự Phi Vân Nhạn. Vậy “Kim Kê” là gì?

Trên bàn thờ tổ sư Kim Kê Đặng Văn Anh có treo bức tranh con gà trống đứng gáy trên đỉnh núi, cùng 4 câu thơ:

Phong vũ như mai
Kê mình bất kỷ
Kích kiến quân tử
Vân hồ bất hỉ
Tạm dịch:
Mặc dù ngoài mưa gió
Gà không ngớt tiếng gáy
Thấy được người quân tử
Còn gì vui sướng bằng
“Kim Kê” nghĩa là “gà trống vàng”, lấy cảm hứng từ bài Mai hoa quyền của Thiếu Lâm Tây Sơn nhạn, trong đó có thế Kim Kê độc lập, tổ sư Đặng Văn Anh mê thế võ hiểm này bèn lấy chữ “Kim Kê” đặt tên môn phái với ước muốn đào tạo những võ sĩ hùng dũng, nhanh nhẹn, gan lì, dám đối đòn. Kim Kê độc lập với tư thế đứng trụ chân trái, co cao chân phải, hai tay thủ theo bộ song chủy (gập ngón cái, áp út và út). Khi thủ, che kín những yếu huyệt, lúc bị tấn công phản đòn bằng cách: chân đá vào hạ đẳng (hạ bộ), tay phải đánh vào vùng thượng đẳng (mặt, mắt, mũi), tay trái tung cú đấm thôi sơn vào vùng trung đẳng (ngực, hông) đối thủ.

Thiếu Lâm nội quyền Kim Kê – Tây Sơn nhạn lấy Yêu tự xà hành làm thân pháp; Thôi sơn làm thủ pháp; Bình sa lạc nhạn làm cước pháp; Mai hoa quyền và Kim Kê quyền làm quyền pháp; thuật cường thân làm nội lực; lừng lẫy với bài Tứ linh đao và Kim Kê đao. Năm 1969, chưởng môn Đặng Văn Anh cùng 13 võ sư là Mai Văn Phát, Lê Văn Kiển, Từ Thiện, Trần Xil, Nguyễn Văn Mách, Xuân Bình, Quách Phước, Minh Sang… thành lập Tổng hội Võ học Việt Nam.

Nguồn gốc “Kim Kê” còn có nguyên nhân khác. Theo võ sư Đặng Kim Anh: “Hồi nhỏ ở quê, ba tôi rất mê đá gà, ông thường ôm gà đi đá đầu làng cuối xóm. Nhà ông nội tôi nuôi hàng chục con gà đòn và gà cựa đều do ba tôi chăm sóc. Ba tôi rất tâm đắc những đặc tính của gà: Biểu tượng cho sự thịnh vượng, nghiêm túc và vinh hoa, gà trống còn có đức tính mà đấng nam nhi, đấng trượng phu cần có”. Hàn Thi ngoại truyện nêu đặc tính gà trống: cái mào đỏ tựa mũ cánh chuồn là văn. Chân có cựa sắt như kiếm là võ. Dũng cảm đương đầu với kẻ thù là dũng. Gọi nhau cùng chia mồi là nhân. Gáy đúng giờ gọi mọi người dậy là tín.

Lẫy lừng tuyệt kỹ Kim Kê

Thiếu Lâm nội quyền Kim Kê – Tây Sơn nhạn đào tạo nhiều võ sĩ từng “làm mưa làm gió” võ đài Sài Gòn – Chợ Lớn giai đoạn 1965 – 1974, nam võ sĩ lấy họ “Kê”, nữ họ “Kim” như Kê Hồng Đăng, “máy đấm” Kê Hoàng Long (Huỳnh Hữu Hào), “trụ đồng” Kê Hoàng Hổ (Huỳnh Thượng Hải), Kê Hùng Sơn, Kê Minh Sơn, Kê Thắng Sơn, Kê Hoa Sơn, Kê An Sơn (Trần Văn Mười)… Sau 1975 có Lê Đình Long, Nguyễn An Tâm Khánh, Kê Huỳnh Long, Hoàng Hạnh Phúc, Phan Văn Trí Nhân, Dương Thị Thanh Trúc, Ngô Thị Ngọc Chi, Kê Long Sơn, Kê Bạch Long, Lương Văn Thành (mở võ đường Kabudo – Kim Kê Kung-fu tại Berlin – Đức)…

[IMG]
Võ sư Đặng Kim Anh (Chưởng môn phái Thiếu Lâm nội quyền Kim Kê – Tây Sơn nhạn - trái) và lão võ sư Kê Hoàng Hổ (tức Huỳnh Thượng Hải)
Môn phái Thiếu Lâm nội quyền Kim Kê – Tây Sơn nhạn lừng lẫy với thế Sát thủ giản (võ sư Kê Hoàng Hổ thường tung liên tiếp hai cú Bàng long cước ép đối thủ vào góc đài rồi hạ knock-out bằng đòn revers) và thế Bình sa lạc nhạn. Hồi nhỏ nếu nghe ai nói: “Có ông thầy đá trói rất hay” thì đó là thế Bình sa lạc nhạn. Khi đá trúng hồng hải huyệt (giữa bắp đùi) hoặc bạch hải huyệt (gần đầu gối) địch thủ lập tức “rớt” liền (nghĩa là tự trói mình vậy).

Lúc sinh thời, tổ sư Kim Kê Đặng Văn Anh từng nhận xét: “Đòn thế hay đẹp là do người thực hiện chứ không có riêng đòn thế này hoặc đòn thế kia đẹp. Chẳng hạn Yêu tự xà hành đi tiếp với Siêu phong hoán vũ thì rất hay và đẹp”. Về đấu võ đài, tổ sư cho rằng: “Lên võ đài mà đánh loạn đả là do võ sĩ ấy mất bình tĩnh hoặc còn non nghề! Võ thuật tuy phát triển hơn trước năm 1975 nhưng trình độ võ sinh không bằng do ít ai chịu khổ luyện”.

14 giờ ngày 3-5-1998, tổ sư Kim Kê Đặng Văn Anh về cõi vĩnh hằng, hưởng thọ 77 tuổi. Con trai tổ sư Kim Kê – võ sư Đặng Kim Anh chấp chưởng môn phái, tổ đường đặt tại số 75 đường 26A Bình Phú, phường 10, quận 6, TP.HCM. Võ sư Đặng Kim Anh hiện là Phó chủ nhiệm CLB Tinh Võ, quận 5. Đệ tử ruột cố tổ sư Kim Kê là Kê Hoàng Hổ (tức võ sư Huỳnh Thượng Hải, năm nay 62 tuổi) hiện dạy Thiếu Lâm nội quyền Kim Kê – Tây Sơn nhạn tại Trung tâm thể dục thể thao quận 5 (CLB Tinh Võ, 756 Nguyễn Trãi, phường 11, quận 5) và tại tư gia (258/68/6 Dương Bá Trạc, phường 2, quận 8).


Read more: http://thieulamnamphai.com//threads/da-loi-dai-sai-gon-%E2%80%93-cho-lon-phan-2.303/#ixzz2JihumbmH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét