Thứ Bảy, 2 tháng 2, 2013

Đả lôi đài Sài Gòn – Chợ Lớn (Phần 3)


Là một tên tuổi lớn trong làng võ Việt Nam, nhưng ông không mở võ phái mà chỉ nhận là chi phái của thầy. Mấy ai biết người đàn ông vẫn uống cà phê, đánh cờ ở vỉa hè này từng là một võ sỹ lừng danh, thần tượng của hàng ngàn thanh niên. Ông là võ sư Hùynh Long – tên thật là Lê Thành Long.

[IMG]
Võ sư Huỳnh Long trong thế hổ tấn
Lê Thành Long sinh năm 1950 tại xã Hòa Bình 2, huyện Tuy Hòa (nay thuộc huyện Tây Hòa). So với những cao thủ trong làng võ thì Lê Thành Long đến với võ thuật hơi muộn. Năm 1968, sau khi gia đình tản cư vào sống tại thành phố Nha Trang (Khánh Hòa) ông mới bén duyên với võ học.

Những năm 60, 70 của thế kỷ trước, phong trào đấu võ đài phát triển rất mạnh tại các nước Đông Á và Đông Nam Á, tại miền Nam Việt Nam, không thể không nhắc tới những tên tuổi như Hắc Long, Gấu Đen, Thạch Sil Ronil, Long Mút, Kê Hoàng Hổ . Trong đó Kê Hoàng Hổ lúc bấy giờ là một võ sĩ không đối thủ trên võ đài khắp miền Trung, Nam những năm cuối thập niên 1960.

Năm 1969, Kê Hoàng Hổ đương kim vô địch miền Nam Việt Nam, nhận được lời thách đấu của một võ sĩ chỉ mới trải qua 6 trận hạng… “ruồi” ở võ đường Rémi Huỳnh tại Nha Trang. Đến bây giờ, những người yêu thích và biết về võ thuật trong giai đoạn này vẫn còn nhớ về trận “Long – Hổ quyết đấu” (Kê Hoàng Hổ – Huỳnh Long).
Đòn mạnh nhất của Kê Hoàng Hổ là những cú bàn long và rờ ve thời bấy giờ không ai địch nổi. Để khắc chế, “tiểu võ sĩ” Huỳnh Long phải vận dụng nhiều đòn long thăng cước và đòn chỏ cận chiến. Giữa hiệp hai, sau một cú bàn long cực mạnh không trúng đích và cú rờ-ve hụt ngay tiếp sau, Kê Hoàng Hổ vừa xoay mặt sang phía đối phương đã phải tiếp ngay một đòn chỏ thẳng đánh từ dưới cằm lên. Cằm bể, xệch sang một bên, người đầy máu, Kê Hoàng Hổ chỉ dùng băng dán lại rồi đấu tiếp cho đến hết trận. Huỳnh Long thắng điểm và trở thành vô địch miền Nam! Bấy giờ, Huỳnh Long 19 tuổi.

Sau trận đấu, Kê Hoàng Hổ từ bỏ võ đài, chấm dứt một thời oanh liệt bách chiến bách thắng. Cũng từ đấy, Huỳnh Long chấp đối thủ nặng hơn mình 10, 20, 30 kg, rồi kỳ thủ đài (giữ đài trong 3 ngày, đấu với bất kỳ ai mà không cần được báo trước).

THUA THÌ GIÀU, NHƯNG PHẢI THẮNG

Năm 1972, Huỳnh Long được làng võ đài Sài Gòn xắp xếp một trận đấu với võ sĩ vô địch Hồng Kông. Trận đấu đã bị dàn xếp cá cược. Trước trận đấu, Giám đốc Công ty Kỹ nghệ mền len Sài Gòn nói giữ cho Huỳnh Long ghế Phó giám đốc nếu ông thua trận này. 7 triệu đồng là số tiền vị đại gia kia tiết lộ đã nhận cược. Huỳnh Long đòi được chia đôi. Ông cầm 3,5 triệu đồng trước khi lên đài.

Trận đấu diễn ra một chiều, Huỳnh Long chỉ biết đỡ và “ăn đòn” trong khi võ sĩ Hồng Kông cứ thoải mái đấm đá và tỏ ra hống hách suốt hai hiệp đấu. Ghét thái độ ngang tàng hống hách, Huỳnh Long hạ gục đối thủ ngay đầu hiệp thứ 3.

Chiều hôm sau, khi Huỳnh Long đang ở trong phòng nội trú thì một toán người ập vào, trên tay lăm lăm “hàng nóng”. Biết sẽ có chuyện chẳng lành sau khi thắng trận nên Huỳnh Long vẫn điềm tĩnh, ông bảo: Tôi với các anh đâu có oán thù. Nếu “xử” tôi, các anh cũng đâu có vẻ vang gì? Nhưng đã nhận tiền của người ta rồi mà dám thắng – đám người này vặn lại. Huỳnh Long nói: “ Các anh xem, tận Hồng Kông qua đây đòi thắng võ Việt Nam mình, không xem làng võ mình ra gì như vậy mà bảo tôi thua?”. 
Cảm kích trước tinh thần dân tộc của võ sĩ trẻ, nhưng đã nhận 2 triệu đồng để Huỳnh Long không còn trên cõi đời này nên họ đòi để lại trên người võ sĩ một… nhát dao sau khi thoả thuận. Chiều hôm sau, những tay anh chị kia đến đưa Hùynh Long đi nhậu ở Chợ Lớn.

Kể xong câu chuyện ông cởi chiếc áo để lộ vết sẹo hình lưỡi liềm 3 cm bên vai phải.

TUYỆT CHIÊU LONG PHI CƯỚC

Cú đá long phi mà cho tới nay vẫn chưa một người nào có thể lãnh hội hết tuyệt kỹ và thi triển hoàn hảo được ông sử dụng trong một trận đấu và chỉ mất… 35 giây để hạ đối thủ tại võ đài Sài Gòn năm 1971. Sau trận đấu này, các đồng môn muốn lĩnh hội tuyệt chiêu của ông. Một người xung phong đứng ra thử đòn, Huỳnh Long nhấc bộ, người đồng môn chỉ đỡ được cú đá đầu, nhưng long phi cước thì có tới hai. Kết quả, người đồng môn bể quai hàm.

Từ sau trận đấu 35 giây, tên tuổi của Huỳnh Long luôn gắn liền với cú đá long phi cước. Với tuyệt chiêu này, Huỳnh Long đã thắng hàng loạt đối thủ cả trên võ đài và ngoài đời, trong đó có cả những lực sĩ người Xiêm, Miên… Sau trận đấu, không ít tên tuổi đã phải từ bỏ võ đài, bởi ông chưa bao giờ thất bại khi sử dụng long phi cước. Cũng chính vì vậy mà những võ sĩ tên tuổi trong và ngoài nước đều muốn hạ được Huỳnh Long.

Nhanh như cắt, một cú đá vào người đối phương, cú đá thứ hai (bằng chân còn lại) nhằm vào mặt đối thủ là tuyệt kỹ long phi cước. Ông đã dạy cho nhiều người, nhưng chưa ai đạt đến trình độ của ông. Mặc dầu tuổi đã sắp lục tuần nhưng ông vẫn dễ dàng thi triển cú đá long phi. Có điều từ ngày giải phóng đến giờ, chẳng còn ai muốn thử nó. Khi tôi hỏi về việc khắc chế long phi cước, ông bảo: Bí truyền!

Võ sư Huỳnh Long tâm sự, trong cuộc đời võ nghệ của mình, ngoài người thầy đáng kính Rémi Huỳnh và những bậc cao niên, tiền bối của làng võ Việt Nam, ông còn tôn trọng và kính nể Kê Hoàng Hổ.

Năm 1972, Huỳnh Long về thủ đài tại Nha Trang. Trong lần giữ đài trước mọi đối thủ này, ông đã tiếp 2 võ sĩ, trong đó có Long Mút, một võ sĩ người Miên cũng bị ông hạ ở hiệp 2 với đòn long phi cước.

Giai đoạn này, Huỳnh Long là thần tượng của hàng ngàn thanh niên miền Nam Việt Nam. Không ít người con gái đã thầm yêu trộm nhớ anh võ sĩ vô địch. Sau lần kỳ thủ đài, Huỳnh Long vào lại Sài Gòn học Văn khoa và tham gia vào nhiều cuộc phản chiến của thanh niên cùng với Lê Văn Nuôi, Trịnh Công Sơn… Với danh tiếng của mình, Huỳnh Long có khả năng lôi cuốn được nhiều thanh niên và ông trở thành một trong những đối tượng bị Mỹ – Ngụy truy sát, đến nỗi phải bỏ học lên Đà Lạt ẩn mình.

Võ sư Huỳnh Long có thời gian đi chiến trường K làm HLV võ thuật cho Công an vũ trang, Bộ đội biên phòng tỉnh Phú Khánh, Giám đốc Trung tâm Võ thuật thanh niên Phú Yên. Có thời gian ông đi làm công chức rồi làm bảo vệ, nhưng chẳng có việc gì lâu dài. Ông vẫn gắn mình với nghiệp võ. Vài người học trò của ông cũng đạt được thành tích cao tại các giải võ cổ truyền toàn quốc, nhưng ông bảo: Thành tích có đáng gì mà kể!

Ngôi nhà nhỏ của võ sĩ danh tiếng một thời nằm ở cuối đường Nguyễn Văn Cừ (phường 7 thành phố Tuy Hòa)ø, còn điểm tập nằm ở… vỉa hè. Học trò của ông bây giờ chủ yếu vẫn là sinh viên nên lúc đông lúc vắng. Ông nói, Võ đường Long Huỳnh chỉ là một chi phái của võ phái Rémi Huỳnh. Ông tự nhận mình chưa phải là thầy võ và chưa đủ sức để lập võ phái riêng, trong khi với người học võ, cội nguồn cần được gìn giữ.


Read more: http://thieulamnamphai.com//threads/da-loi-dai-sai-gon-%E2%80%93-cho-lon-phan-3.304/#ixzz2Jii5xuhs

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét